Sau ly hôn, có thể yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng nuôi con không?

Sau ly hôn, có thể yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng nuôi con không?

Căn cứ Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:

Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo đó, pháp luật hiện hành không quy định mức cấp dưỡng cụ thể, cũng không có giới hạn của số tiền phải cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng tùy thuộc vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Đồng thời, khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Trong trường hợp, nếu tình hình kinh tế khó khăn, mức thu nhập của bên cấp dưỡng không còn thực hiện được việc cấp dưỡng thì có thể thỏa thuận giảm số tiền cấp dưỡng. Ngược lại, khi thu nhập của người phải cấp dưỡng tăng hoặc nhu cầu thiết yếu của con – người được cấp dưỡng tăng thì mức cấp dưỡng có thể được điều chỉnh tăng theo.

Như vậy, theo quy định nêu trên, sau khi ly hôn, các bên có thể yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng nuôi con khi có lý do chính đáng, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con.

Nếu có tranh chấp về mức cấp dưỡng mà các bên sẽ không thể thỏa thuận được thì phải yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong những trường hợp này, Tòa án sẽ căn cứ vào lý do chính đáng mà các bên đưa ra để xem xét, quyết định có đồng ý yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng của các bên không.

Nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

– Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

– Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

– Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

– Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

– Trường hợp khác theo quy định của luật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *