Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhãn hiệu có thể được bảo hộ trong bao lâu?
Căn cứ khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:
Điều 93. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ
- Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.
- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:
a) Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;
b) Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
c) Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí. - Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Theo đó, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Như vậy, thời gian bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm và có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.
Thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như thế nào?
Theo Điều 31 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực làm theo Mẫu số 07 tại Phụ lục 2 Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nếu văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy và có yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ;
– Văn bản ủy quyền nếu yêu cầu được nộp thông qua đại diện;
– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí nếu nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Bước 2: Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ yêu cầu gia hạn
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu gia hạn, Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ yêu cầu gia hạn.
Bước 3: Ra quyết định gia hạn hoặc từ chối gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
(1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ:
Ra quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu), đăng bạ và công bố quyết định gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Sau khi thủ tục gia hạn đã hoàn tất, trường hợp chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận quyết định gia hạn hiệu lực vào văn bằng bảo hộ, chủ văn bằng bảo hộ phải thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí theo quy định.
(2) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:
Ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Hồ sơ yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định;
+ Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng.
Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.