Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm bị phạt bao nhiêu năm tù?

Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm bị phạt bao nhiêu năm tù?

Căn cứ Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 41 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm:

Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

  1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
    a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
    b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
    c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
    d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
    đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
    […]
    Theo quy định trên, người nào phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến vĩnh viễn tùy theo mức độ vi phạm.

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Các yếu tố cấu thành tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo pháp luật hình sự?

Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 41 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Dưới đây là các yếu tố cấu thành tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo pháp luật hình sự:

[1] Chủ thể

Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Theo đó, chủ thể tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi phạm tội.

Vì tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

[2] Khách thể

Khách thể của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là xâm phạm chế độ độc quyền của Nhà nước trong quản lý, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

Đối tượng tác động của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cầm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

[3] Khách quan

Mặt khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là thực hiện một trong các hành vi sau:

– Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam trở lên hoặc từ 50 lít trở lên

– Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên

– Pháo nổ từ 06 kilôgam trở lên

– Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên

– Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên

– Hàng hóa dưới mức quy định nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi trên hoặc tại một trong các tội sau hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

+ Tội buôn lậu

+ Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

+ Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm

+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi

+ Tội đầu cơ

+ Tội trốn thuế

Lưu ý: Không thuộc các tội sau:

– Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

– Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã

– Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam

– Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

– Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại

– Tội tàng trữ trái phép chất ma túy

– Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

– Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy

– Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy

– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ

– Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân

– Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc

Các thủ đoạn thường thực hiện: Mở các cơ sở sản xuất trá hình, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để cất giấu loại hàng hóa không được phép lưu thông trên thị trường; Thuê các cơ sở làm ăn uy tín để tàng trữ hàng cấm; Dùng những chiếc xe công để che đậy quá trình vận chuyển hàng cấm…

[4] Chủ quan

Mặt chủ quan của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, thấy trước được hậu quả của hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm nào được thực hiện do cố ý gián tiếp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *